|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Hoàng Vân cũng như các làng cổ ở huyện Hiệp Hòa thời xưa, tạo dựng được bề dày truyền thống trên nhiều lĩnh vực chủ yếu và nổi trội nhất là trên bình diện văn hóa. Theo tài liệu mang mã số A2338 lưu trữ tại Viện Hán – Nôm Việt Nam, trong sách “Dư địa chí” có viết: Huyện Hiệp  Hòa chỉ các xã Hoàng Vân, Cẩm Bào, Danh Thắng, Trung Định là đất văn học. Càng chứng tỏ Hoàng Vân là một trong những trung tâm văn hóa của huyện, bao hàm văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa phong phú đa dạng, vừa sâu sắc, ý nghĩa.

Đầu năm 1943, Ban Thường vụ trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng An toàn khu II (ATK II) của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). Vùng đất năm ven bờ sông Cầu, là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với vùng trung du vầ đồng bằng. Địa bàn nằm giữa ba huyện này trở thành cửa ngõ quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc với các cơ sở và phong trào cách mạng ở miền xuôi.

Di tích ATK II Hiệp Hòa bao gồm 8 điểm di tích, trong đó xã Hoàng Vân có 05 điểm di tích là: Đình Vân Xuyên, đền Soi, Nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà cụ Nguyễn Văn Chế, nhà cụ Ngô Văn Đông (cụ Lý Đông).

Đình Vân Xuyên:

Được xây dựng vào thời Lê trung hưng. Đình thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh thuộc tướng thời Hùng Vương thứ 18 có công đánh giặc, được nhiều triều vua phong kiến Việt Nam ban sắc phong và mỹ tự. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh gôm 3 gian 2 chái, 2 gian hậu cung và 2 dãy giải vũ cùng tam môn, nhà khách.

Tại Đình diễn ra nhiều cuộc họp của cán bộ cách mạng từ năm 1940-1945.  Ngày 20/02/1945, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh – Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang thành lập đội tự vệ bán thoát ly làng Vân Xuyên; tập hợp toàn dân Vân Xuyên mít tinh, tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, Ủy ban dân tộc giải phóng Vân Xuyên ra mắt.

Ngày 01/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Tối 01/6/1945, một đơn vị vũ trang của tỉnh cùng với tự vệ Hoàng Vân do đồng chí Lương Văn Đài và Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy, bố trí lực lượng, triển khai kế hoạch chiến đấu, tiến thẳng vào cổng huyện. Toàn bộ lính trong huyện nộp vũ khí đầu hàng, chấm dứt vĩnh viễn chính quyền của chế độ phong kiến thực dân và phát xít ở huyện Hiệp Hòa. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân trong huyện, đưa Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong cách mạng tháng 8 năm 1945 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945).

Với những giá trị về lịch sử, Đình Vân Xuyên được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Đình Vân Xuyên là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đền soi

Được khởi dựng từ thời Lê, gồm tòa tiền tế 2 gian phụ, 1 gian chính, xây bình đầu bít đốc, bổ cột đồng trụ. Các vì mái kết cấu tiền kẻ hậu bẩy, cột xẻ vuông.

Cuối năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ về Hoàng Vân mở lớp huấn luyện quân sự. Tại đền Soi, xóm Đá, thôn Vân Xuyên, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ cùng Ban cán sự đảng tỉnh Bắc Giang chọn nơi đây là địa điểm mở các lớp quân chính đầu tiên của Đảng, tổ chức nhiều cuộc huấn luyện chính trị và quân sự cho cán bộ quân sự các tỉnh, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Địa điểm đền Soi, xóm Đá được chọn mở lớp từ cuối năm 1940 kéo dài tới đầu năm 1945. Tại đây mở liên tiếp 20 lớp huấn luyện quân sự, mỗi lớp có từ 20 đến 40 học viên, học trong vòng 20 ngày với nội dung huấn luyện khá hoàn chỉnh như: nhiệm vụ, phương pháp của quân đội cách mạng, phương pháp tác chiến, cách sử dụng vũ khí, khí tài, võ thuật,....Các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lương Văn Tri, ...trực tiếp giảng dạy.

Với những giá trị về lịch sử, đền Soi được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng đền Soi là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Di tích lịch sử nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba)

Tại nhà cụ Đồ Ba, đồng chí Ngô Tuấn Tùng đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt về hoạt động cách mạng ở Hiệp Hòa, chọn nơi đây là cơ sở cách mạng đầu tiên ở Hoàng Vân. Từ căn nhà này đồng chí mở rộng sang các xã khác thuộc tổng Hoàng Vân và sang Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên). Trên cơ sở đó thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hoàng Vân (Tháng 02/1940).

Với những giá trị về lịch sử cách mạng, ngôi nhà của cụ Ngô Văn Thấu được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch cách mạng ATK Hiệp Hòa theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng nhà cụ Ngô Văn Thấu là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Di tích lịch sử nhà cụ Ngô Văn Đông (cụ Lý Đông)

Từ ngày 15-20/4/1945 tại nhà cụ Ngô Văn Đông, thôn Liễu Ngạn diễn ra Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Tham dự có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, cán bộ lãnh đạo các chiến khu, cán bộ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội và các đại biểu du kích, tự vệ ở nhiều địa phương khác về dự, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh – Tổng bí thư của Đảng. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng đề ra chủ trương thúc đẩy hoạt động vũ trang, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước bằng cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945. Hội nghị quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất diễn ra thành công tốt đẹp, được tổ chức chu đáo và bảo vệ nghiêm ngặt của nhiều cán bộ, đảng viên, gia đình cơ sở và nhân dân nơi đây.

Với những giá trị về lịch sử về cách mạng, ngôi nhà của cụ Ngô Văn Đông được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch cách mạng theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng nhà cụ Ngô Văn Đông là Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Di tích lịch sử nhà cụ Nguyễn Văn Chế

Ngày 19/11/1942, tại nhà cụ Nguyễn Văn Chế, xóm Đá, thôn Vân Xuyên, trung ương Đảng khai mạc lớp tập huấn chính trị cho cán bộ cấc tỉnh thuộc Bắc Kỳ do đồng chí Trường Chinh- Tổng bí thư của Đảng trực tiếp giảng dạy.

Do bị mật thám báo, lớp huấn luyện bại lộ, đồng chí Trường Chinh được ông Hương Lịnh đưa qua sông Cầu sang cơ sở xã Tiên Thù, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên an toàn.

Với những giá trị về lịch sử cách mạng, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Chế được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch cách mạng theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng nhà cụ Nguyễn Văn Chế là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đình Vạn Thạch

Đình được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), tu sửa lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), thờ Diên Bình Công chúa và Đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh Đại vương vốn là các tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công giúp Hùng Duệ Vương phá tan quân Thục đến xâm lăng giang sơn họ Hùng, mang lại bình yên cho đất nước, cho nhân dân. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh ngược gồm tòa tiền đình và hậu cung.

Đình thuộc ATKII của Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhưng năm 1944-1945, trước cao trào tiền khởi nghĩa, một tiểu đội tự vệ chiến đấu được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng và từ đây tham gia đánh chiếm đồn Cọ, đồn Trị Cụ và giành chính quyền ở huyện lỵ Hiệp Hòa. Từ năm 1948-1950, đình Vạn Thạch được sử dụng làm Trụ sở của Ty Công an Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình là nơi tập kết vũ khí, khí tài của Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Hiện nay đình còn lưu giữu được 13 đạo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn thế kỷ XIX-XX. Hằng năm, Đình tổ chức lễ hội vào mùng 6 tháng Giêng.

Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, đình Vạn Thạch được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 25/12/2006.

Nghè Cầu Hang

Nghè Cầu hang là công trình tín ngưỡng được dựng lên để thờ Thành hoàng làng là Diên Bình Công chúa (vợ của Phò mã Dương Tự Minh – người có nhiều công lớn trong việc giữ yên vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc thế kỷ XI-XII). Nghè có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian 4 mái tiền tế và hậu cung.

Nghè thuộc ATK II của Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ cùng với các điểm di tích như: Đình Vân Xuyên, nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông), nhà cụ Nguyễn Văn Chế,... Đây là một trong những chứng tích lịch sử quan trọng, địa điểm liên lạc, đặt hòm thư bí mật của xứ ủy Bắc Kỳ để chỉ đạo phong trào cách mạng trong vùng, góp phần vào thắng lợi vang dội trong cuộc sống cách mạng tháng 8 năm 1945.

Hằng năm, Nghè tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng.

Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, Nghè Cầu hang được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 31/12/2007.

Đình Lạc Yên

Đình được xây dựng từ lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đình không còn nguyên vẹn như ban đầu. Song nhờ ý thức giữ gìn những giá trị tốt đẹp của cha ông, Nhân dân thôn Lạc Yên không ngừng tu sửa, tôn tạo đình thêm phần khang trang, bề thế nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi.

Đình thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh-thuộc tướng thời Hùng Vương thứ 18 có công đánh giặc, được nhiều triều vua phong kiến Việt Nam ban sắc phong và mỹ tự. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 1 tòa tiền tế và 1 tòa hậu cung.

Trước cách mạng tháng 8, Đình thuộc khu ATK II của Trung ương Đảng nên nơi đây thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần quan trọng trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, đình Lạc Yên được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 23/8/2010.

Mộ và đền thờ Tiến sĩ  Trịnh Ngô Dụng

Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng (sinh năm 1684) là vị quan có nhiều đóng góp cho vương triều nhà Lê-Trịnh. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, lớn lên được gửi theo học Tiến sĩ Trịnh Đức Liên ở làng Đại Mão, tổng Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1971) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi thường kỳ để kén chọn người hiền tài ra làm quan giúp nước, Trịnh Ngô Dụng tham gia ứng thí khi đã 38 tuổi. Ở kỳ thi Hội lấy đỗ 25, Trịnh Ngô Dụng đỗ hàng thứ 7. Khi dự kỳ thi đình để phân hạng tiến sĩ, ông được ban danh Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đỗ đại khoa, được hưởng ân lệ vinh quy bái tổ. Ông trải qua rất nhiều chức quan trong triều đình. Là đại thần nhà Lê Trung hưng, ông có nhiều công lao với đất nước, dẹp loạn an dân được chúa thượng ban cho Họ Trịnh, nên tên Ngô Dụng được đổi thành Trịnh Ngô Dụng. Năm 1746, Trịnh Ngô Dụng được phụng mệnh đi sứ nhà Thanh, trên đường đi không may bị bệnh hiểm nghèo phải về quê dưỡng bệnh, sau mất tại quê nhà. Sau khi mất thi hài ông được đưa về an táng ở xứ đồng Vườn Thông (Viên Thông Xứ), nay thuộc thôn Vạn Thạch.

Cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ trải qua nhiều lĩnh vực từ địa phương đến triều đình. Tên tuổi của ông được ghi trong các sách sử như “Đại việt sử ký toàn thư” – Bản kỷ tập biên của Sử thần triều Lê, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc Sử quán triều Lê, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, “Lịch triều hiến chương loại chí” (mục Bang giao chí) của Phạm Huy Chú, “Đại Việt sử ký tục biên”. Văn bia tại Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội) và văn miếu Bắc Ninh. Ở đâu ông cũng được nhân dân quý trọng, trình đình tin tưởng vinh phong, giao phó các chức vụ, phẩm hàm quan trọng.

Khi sống ông luôn được nhà vua và các quan thần yêu mến. Nhà vua khen ngợi ông rằng: Khanh vốn là cựu thần có công với nước, khi sống thì ban cho phước lộc, khi mất thì khóc thương, cũng là vì muốn làm sáng tỏ đạo nghĩa. Khanh là rường cột, là người tốt, là báu vật vàng ngọc của nước nhà, là quan được phát triển nhờ thành tích thi Nho khoa cao, văn chương sự nghiệp được liệt vào hàng quan chức. Khanh là người liêm khiết, thanh bạch, biết bao bọc, che chở cho dân, vì vậy dân đen đều vô cùng thương nhớ và kính phục....

Chỉ trong một thời gian ngắn kiêm nhiệm, Trịnh Ngô Dụng được chúa Trịnh Doanh chính thức ban phong Tham tụng. Khoảng hơn nửa năm sau, Trịnh Ngô Dụng mất, hưởng thọ 62 tuổi khi đang trên cương vị là một đại thần bậc nhất của triều Lê – Trịnh. Tham tụng Trịnh Ngô Dụng nắm giữ nhiều trọng trách, trên bất kỳ cương vị nào, ông đều hết lòng phụng sự vương triều Lê – Trịnh. Khi mất được truy phong chức Thượng thư và tước Quận công. Đây là ân điển long trọng mà triều Lê – Trịnh, nhất là chúa Trịnh dành riêng cho Trịnh Ngô Dụng.

Khi ông mất đi triều thân như mất một cánh tay, vô cùng đau buồn. Nay nhân dân làng Vân Xuyên cũng như nhân dân Bắc Giang vô cùng biết ơn ông đã làm rạng danh cho quê hương về tinh thần yêu quê hương, đất nước, tinh thần hiếu học. Để ghi nhớ sự tận tụy và công lao của ông, nhà vua còn ban sắc phong cho ông Phúc đẳng thần, lệnh cho nhân dân làng thờ phụng hương khói.

Nhà thờ tiến sĩ gôm 3 gian do cháu hậu duệ đời thứ 10 là Ngô Quốc Việt hiện đang sinh sống trông coi đền thờ. Trong đền còn lưu giữ một số hiện vật từ thời ông còn làm quan có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa niên đại thời Lê (thế kỷ XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như: Ngai thờ, bát hương, cây đèn, lọ hoa, câu đối chữ Hán ca ngợi công lao to lớn của ông, gia phả họ Ngô. Đặc biệt nay còn bảo lưu được 1 chiếc kiệu võng bằng gỗ là kỷ vật duy nhất khi Trịnh Ngô Dụng đỗ tiến sĩ vinh quy bái tổ và thường dùng khi làm quan.

Hàng năm vào ngày mùng 3 tháng 7 âm lịch là ngày giỗ của tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng, các con cháu tề tựu đông đủ thắp hương để tưởng nhớ công ôn cụ. Ngoài ngày lệ chính, vào ngày 10-11/10 là ngày lệ làng, nhân dân làm lễ tế Thành hoàng làng đồng thời cúng tế Hậu thần là Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng thờ ở đình Vân Xuyên. Đặc biệt vào ngày mùng 5 tháng Chạp hằng năm là ngày giỗ tổ họ Ngô, cứ theo thông lệ 5 năm 1 lần là tổ chức rước kiệu cụ ở đền thờ vào nhà thờ tổ (cách đền thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng khoảng 200m)để làm lễ cúng giỗ.

Với những giá trị về lịch sử, Mộ và nhà thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 27/12/2016. Ngày 21/5/2019, Bộ văn hóa thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1824/QĐ-BVHTTDL xếp hạng mộ và đền thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng là Di tích lịch sử.

Chùa Lạc Yên

Theo các cụ cao niên, chùa Lạc Yên có từ lâu đời, chùa có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và hậu cung.

Với những giá trị về lịch sử, chùa Lạc Yên được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 2370/QĐ-UBND ngày 31/12/2015.

Ngoài những di tích lịch sử văn hóa trên, xã Hoàng Vân còn có một số bản “Địa bạ” được biên soạn vào triều Nguyễn như: Địa bạ xã Vân Xuyên, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang sao ngày 10/10 năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) – bản địa bạ này được Phủ vệ Lại mục Phạm Nhàn, cử phẩm Thư lại Vũ Đức Chính phụng mệnh đối chiếu; Kinh lịch Nguyễn Toại, thông biện Trần Văn Kỷ phụng khảo- Kê khai tổng số công tư điền thổ gồm 229 mẫu 4 sào 9 thước 8 tấc.

Địa bạ xã Vạn Thạch sao tháng 3 năm Gia Long thứ 4 (1805) do Nguyễn Xuân Đống – người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc viết; Hộ bộ lệnh sử thi cai hợp Đỗ Quang Thận, Thủ hợp Bạch Doãn Hợp, Phan Văn Phong, Bản ty Hồ Khắc Mỹ thừa lệnh xét duyệt; Hộ ty Đặng Duy Tần, Cao Quốc Trụ, Phạm Quang Huy và Thừ ty trấn Kinh Bắc Nguyễn Đăng Hựu thừa lệnh cứu xét cho biết: tổng các hạng công từ điền thổ là 244 mẫu 2 sào 9 tấc.

Tại các đình, chùa, đền miếu và một số gia đình khá giả thường có những bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán được khắc trên ván gỗ, sơn son thếp vàng (cũng có khi đắp bằng vôi, vữa hoặc viết thẳng vào cột xây, tường gạch vào các dịp tôn tạo). Những bức hoành phi câu đối ra đời vào thời Nguyễn, còn lại phần lớn la do người đời sau nhớ và chép lại nên không có dòng lạc khoản (cạnh những dòng chữ lớn) nên không rõ tác giả và niên đại ra đời. Còn những bức hoành phi, ra đời trong thời Nguyễn thường có dòng lạc khoản.

Nội dung của các bức hoành phi, câu đối thường chứa đựng những ẩn ý sâu xa tỏ lòng kính trọng đối với các vị Phật và Thành hoàng. Đồng thời phản ánh tư tưởng, tình cảm, niềm tự hào cũng như những hoài bão, ước nguyện của nhân dân trong vùng. Hiện nay, xã sưu tầm được 54 bức hoàng phi, câu đối.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Tin hoạt động Tin hoạt động

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,818
Tổng số trong ngày: 77
Tổng số trong tuần: 213
Tổng số trong tháng: 2,130
Tổng số trong năm: 14,093
Tổng số truy cập: 36,607